Những lời khuyên sâu sắc từ các trader thành công?

Giao dịch (ngoại hối, chứng khoán, bất động sản, …) là một trong những nghề nghiệp đem lại những phần thưởng to lớn nhất trên thế giới, và nó cũng là nghề nghiệp đem lại sự chán nản, thất vọng, mệt mỏi bậc nhất nếu như bạn không đi đúng hướng.

Lời khuyên của những trader thành công

Lời khuyên của những trader thành công

Để giao dịch đúng, nó bao gồm tất cả mọi thứ, từ việc bạn có một chiến thuật/phương pháp giao dịch hiệu quả, kiểm soát được cảm xúc – kỷ luật của bản thân, … trong thị trường. Mọi traders đều phải đi qua từng ấy con đường, nếm đủ mọi trạng thái – cảm xúc trước khi đạt được những thành công nhất định.

Nếu bạn vẫn đang loay hoay mất phương hướng, nản lòng trong việc tìm đến thành công với giao dịch ngoại hối, hay nếu bạn đang đạt được những thắng lợi đầu tiên hoặc lâu dài, thì những câu nói đến từ những nhà giao dịch ĐÃ thành công mà tôi liệt kê trong bài viết ngày hôm nay, dành cho bạn. Bạn có thể sẽ thấy như được truyền thêm cảm hứng, được mở mang và tái tập trung lại định hướng của mình để giao dịch chuẩn xác hơn, cho dù bạn đã từng nghe hay đọc được chúng ở đâu đó, chắc chắn như vậy …

Nội dung bài viết

1. “In this business if you’re good, you’re right six times out of ten. You’re never going to be right nine times out of ten.” -Peter Lynch –

(Tạm dịch: “Trong lĩnh vực kinh doanh này, nếu bạn giỏi, bạn đúng 6 lần trên tổng số 10. Bạn không bao giờ có thể đúng 9 trong 10 lần đâu.”)

Câu nói này nhắc chúng ta nhớ đến 1 sự thật hiển nhiên mà tôi đã nhiều lần đề cập: ngay cả các trader giỏi nhất trên thế giới cũng không thể chiến thắng ở mọi lệnh giao dịch, tỉ lệ 60% lệnh thắng đã là cao.

Hãy nhớ đến bài toán kiểm soát vốn/rủi ro và tỉ lệ phần trăm số tiền khi cắt lỗ/chốt lời, bạn hoàn toàn có thể kiếm được (nhiều) tiền với thậm chí 1 tỉ lệ lệnh thắng thấp hơn con số 60%.

2. “What seems too high and risky to the majority generally goes higher and what seems low and cheap generally goes lower.” -William O’Neil –

(Tạm dịch: “Những thứ nhìn có vẻ như (giá) quá cao và rủi ro thì lại thường lên cao hơn, còn những thứ có vẻ (giá) thấp và rẻ lại thường xuống còn thấp hơn nữa.”)

Câu nói này trước đây tôi biết được khi đang giao dịch chứng khoán, và quả đúng vậy. Những cổ phiếu có giá càng cao, lại gần hoặc vừa phá đỉnh thì thường là những cổ phiếu an toàn nhất. Ngược lại, những cổ phiếu “ruồi” có giá rẻ mạt, ta tưởng là có thể mua chúng với giá hời, lại thường khiến ta ăn quả đắng.

Trong 1 xu hướng (trend) mạnh mẽ, tôi không ngần ngại tìm kiếm điểm vào lệnh buy khi ở gần ngưỡng kháng cự cao nhất hay lệnh sell ở gần ngưỡng hỗ trợ thấp nhất. Tất nhiên còn tùy thuộc vào 1 số yếu tố khác chứ không phải áp dụng cho mọi lệnh giao dịch.

Một khi bạn đã biết cách đọc biểu đồ nến, bạn sẽ có những “cảm nhận” về thị trường, về xu hướng, về lực đẩy của nó. Hãy mở biểu đồ cặp EUR – USD và xem lại – ôn lại trong năm 2014 chuyện gì đã xảy ra.

3. “It takes 20 years to build a reputation and 5 minutes to ruin it. If you think about that, you’ll do things differently.” – Warren Buffett –

(Tạm dịch: “Danh tiếng mất 20 năm để xây dựng nhưng hủy hoại nó chỉ mất 5 phút. Nếu bạn luôn nghĩ về điều này, hẳn bạn đã làm mọi chuyện khác đi.”)

Câu nói đến từ huyền thoại W.Buffet trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng nó trong giao dịch ngoại hối. Theo quan điểm của tôi, Buffet đang nói đến việc quản lý vốn-và-rủi ro ở đây.

Là một trader, bạn hoàn toàn rất dễ phá hủy số tiền lời kiếm được trong 1 hay nhiều tháng chỉ với 1 lệnh thua duy nhất. Điều này rất thường xuyên xảy ra, ngay cả với những trader thành công. Bạn đang tự tin vì kiếm được nhiều tiền, tự tin vì có quá nhiều lệnh thắng, tự tin vì biểu đồ nến đang hình thành cực kỳ đẹp, … bạn đánh 1 lệnh thật lớn, và thua.

Tệ hại hơn, lệnh thua này không chỉ làm bạn mất tiền, nó còn ảnh hưởng vô cùng lớn đến cảm xúc và tinh thần của bạn, điều này còn nguy hiểm hơn việc mất tiền nhiều lần. Đừng để nó xảy ra với bạn, hãy kiểm soát rủi ro với tất cả lệnh giao dịch, tăng chúng thật từ từ khi bạn đang thành công.

Và nhớ rằng, số tiền stoploss phải luôn khiến bạn cảm thấy (thật sự) thoải mái nếu là một lệnh thua, không lệnh giao dịch nào là chắc chắn thắng và hãy luôn ngủ ngon mỗi đêm chứ đừng thấp thỏm lo âu không biết lệnh giao dịch của mình đang lời hay lỗ …

4. “In investing, what is comfortable is rarely profitable.” – Robert Arnott –

(Tạm dịch: “Trong đầu tư, thứ đem lại sự thoải mái thì hiếm khi mang tới lợi nhuận.” )

Trong giao dịch ngoại hối, câu nói này sẽ được ta áp dụng: thường thì khi giao dịch mà bạn “thoải mái”, dễ dãi nhất lại không phải cách giao dịch đúng đắn. Phần lớn những gì mà con người ta cảm thấy muốn làm trong thị trường lại thường khiến họ mất tiền: ai cũng thích giao dịch nhiều, vào lệnh là thấy sướng, việc kiên nhẫn chờ đợi mới khó và không hề thoải mái chút nào; nhìn thấy lệnh đang lỗ, ai cũng muốn cắt lỗ đi cho khỏi lỗ thêm, việc chấp nhận và để thị trường tự cắt lỗ cho bạn mới khó; nhìn thấy lệnh lời được chút ít, nhiều người muốn chốt luôn, yên tâm là có tiền đây rồi, nhỡ nó giảm mất thì sao , việc bản lĩnh chờ nó chạm giá mục tiêu dù cho bao lần thị trường trồi sụt mới khó, …

Những nhà giao dịch chuyên nghiệp và thành công rất hiểu tâm lý và hành vi của những tay gà mờ, họ luôn tìm kiếm những cơ hội diễn biến giá mà gợi ý cho họ rằng những traders gà sẽ làm gì tiếp theo, để họ làm ngược lại.

5. “I’m always thinking about losing money as opposed to making money. Don’t focus on making money, focus on protecting what you have” – Paul Tudor Jones –

(Tạm dịch: “Tôi luôn nghĩ đến việc mất tiền trước khi nghĩ xem mình sẽ kiếm được bao nhiêu. Đừng tập trung vào lợi nhuận có thể đạt được, hãy tập trung vào việc bảo vệ những gì bạn đang có.”)

Bảo toàn vốn là một trong những chìa khóa để thành công với giao dịch ngoại hối (hay các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản, …). Tránh xa những cơ hội không rõ ràng, chỉ giao dịch với những biểu đồ nến có xác suất thắng cao nhất, đừng để cảm xúc nhấn chìm bạn.

Chúng ta không sợ mất cơ hội, thị trường sẽ luôn ở đó ngày mai, năm sau hay … kiếp sau. Điều ta nên sợ là mất tiền.

6. “If you personalize losses, you can’t trade.” – Bruce Kovner –

(Tạm dịch : “Nếu bạn cá nhân hóa những lệnh thua của mình, bạn không thể giao dịch được đâu.”)

Bạn cần phải tách rời bản thân mình với từng lệnh giao dịch. Bạn không được quá sát sao, gắn chặt với nó (vào lệnh rồi ngồi cả ngày thấp thỏm nhìn số tiền nhảy múa chẳng hạn). Nếu bạn rơi vào cái bẫy này, bạn sẽ giao dịch liên tục, đặt rủi ro quá lớn so với tài khoản, và cuối cùng là đốt cháy nó.

Bạn cần hiểu rằng 1,2 lệnh chẳng nói lên được điều gì, đừng vì một vài lệnh gần nhất có kết quả thua hay thắng làm ảnh hưởng đến bạn. Bạn chỉ đơn giản là tuân thủ phương pháp giao dịch của mình, nếu cơ hội xuất hiện thì không ngần ngại mà vào lệnh ngay, tiếp đó để thị trường làm nốt phần việc còn lại.

7. “The key to trading success is emotional discipline. If intelligence were the key, there would be a lot more people making money trading… I know this will sound like a cliché, but the single most important reason that people lose money in the financial markets is that they don’t cut their losses short.” Victor Sperandeo –

(Tạm dịch: “Chìa khóa để giao dịch thành công là kỷ luật. Nếu sự thông minh là chìa khóa, hẳn số người kiếm được tiền từ giao dịch sẽ tăng lên nhiều lần. Tôi biết điều này nghe có hơi sáo rỗng, nhưng lí do có thể nói là quan trọng nhất khiến con người ta mất tiền trong thị trường tài chính đó là do họ không cắt những khoản thua lỗ sớm hơn.” )

Bạn không cần phải là thiên tài, có IQ sánh ngang với Enstein để kiếm được tiền dài hạn trong giao dịch ngoại hối. Việc kiểm soát được cảm xúc và tuân thủ kỷ luật quan trọng hơn.

Bạn hẳn từng thấy vô vàn những vị giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành về tài chính hẳn hoi nhưng chẳng kiếm được đồng nào từ chuyên môn của mình, mặc dù họ rất thông minh. Nhắc đến đây tôi mới nhớ về 1 người thầy dạy trong trường đại học, chuyên về chứng khoán, có nói đại ý rằng : “Tôi khuyên các anh các chị đừng bao giờ chơi chứng khoán, tôi không bao giờ chơi vì chơi là chỉ có mất tiền thôi, không hi vọng được gì đâu.”

8. “Markets are constantly in a state of uncertainty and flux and money is made by discounting the obvious and betting on the unexpected.” – George Soros –

(Tạm dịch : “(Những) thị trường luôn trong trạng thái bất định và thay đổi liên tục, tiền được tạo ra bởi việc chiết khấu từ những điều rõ ràng và đánh cược vào những điều (mọi người) không ngờ đến.”)

G.Soros cũng là một huyền thoại sống về (đầu tư/)đầu cơ trong thời đại của tôi và bạn, một trong những người giàu nhất thế giới. Hẳn bạn có nhớ về vụ đánh sập đồng bảng Anh của ông ta, bán khống với giá trị khoảng 10 tỉ $ bảng Anh và đem lại lợi nhuận 1 tỉ $ trong ngày thứ 4 đen tối năm 1992. Đây hiển nhiên là một trong những lệnh giao dịch nổi tiếng nhất mọi thời đại, nếu không nói rằng nó chính là nổi tiếng nhất.

Soros không ngại đi ngược lại đám đông, và như bạn thấy đấy, có đến 80-90% những traders là kẻ thất bại.

9. “The goal of a successful trader is to make the best trades. Money is secondary.” – Alexander Elder –

(Tạm dịch : “Mục tiêu của một trader thành công là tạo ra được những lệnh giao dịch tốt nhất. Tiền bạc chỉ là điều thứ 2.”)

Một trong những điều mà tôi thường khuyên người khác về giao dịch ngoại hối, là họ hãy tập trung để biến mình thành công nhà giao dịch tốt trước tiên, chứ không phải chỉ chăm chăm xem làm thế nào kiếm được nhiều tiền.

Tất nhiên chúng ta ai cũng muốn kiếm được tiền từ công việc này, nhưng bạn cũng cần hướng sự thích thú và tập trung vào việc phát triển bản thân mình trong khi giao dịch, thích thú khi quan sát thị trường, nhìn và phân tích cuộc chiến giữa “gấu” (giá xuống) và “bò” (giá lên), …

Bạn tập trung vào những điều này, và tiền sẽ từ từ tự chui vào ví bạn, chắc chắn.

10. “I have learned through the years that after a good run of profits in the markets, it`s very important to take a few days off as a reward. The natural tendency is to keep pushing until the streak ends. But experience has taught me that a rest in the middle of the streak can often extend it.”- Marty Schwartz –

(Tạm dịch : “Tôi đã học được qua nhiều năm rằng: sau khi thu được lợi nhuận lớn từ (những) thị trường, điều rất quan trọng ta cần làm ngay sau đó là bỏ ra vài ngày để nghỉ ngơi như một phần thưởng thêm. Theo khuynh hướng chung thì ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh “công việc” cho đến khi thời kì thuận lợi này kết thúc. Nhưng kinh nghiệm dạy tôi rằng một chút nghỉ ngơi ở đoạn giữa thời kỳ sẽ có thể kéo dài thêm nó.”)

Hẳn bạn vẫn nhớ tôi đã nhiều lần chia sẻ rằng chúng ta nên có những thói quen, thú vui, sở thích, công việc khác nhằm giúp chúng ta “tránh xa” khỏi thị trường. Không cần thiết bạn phải ngồi hàng giờ liên tục trước máy tính để theo dõi thị trường, thực tế, theo quan điểm của tôi, thời gian bạn ở bên ngoài thị trường nên lớn hơn nhiều lần so với khi bạn trong nó.

Ngay cả những trader thành công nhất cũng luôn có 1 ít cảm xúc sau mỗi lệnh giao dịch, hãy dành cho bạn 1 hoặc 2 ngày rời xa bảng điện để tự cân bằng, tránh bị cảm xúc chi phối dẫn đến những quyết định ngu ngốc.

11. "The price pattern reminds you that every movement of importance is but a repetition of similar price movements, that just as soon as you can familiarize yourself with the actions of the past, you will be able to anticipate and act correctly and profitably upon forthcoming movements" – Jesse Livermore –

(Tạm dịch: “Mô hình giá nhắc bạn về mọi chuyển động quan trọng của nó và sự lặp lại của những chuyển động giá này, điều bạn nhận thấy quen thuộc với những hành động trong quá khứ, giúp bạn dự đoán trước và hành động chính xác, thu lợi nhuận từ những chuyển động sắp diễn ra.” )

Một lần nữa ta thấy được sức mạnh của biểu đồ nến hay phương pháp giao dịch diễn biến giá (price action), nó đã hiệu quả từ những năm 1900 khi Livermore kiếm hàng triệu $ từ thị trường chứng khoán, và nó vẫn vô cùng hiệu quả cho đến ngày hôm nay.

Nó hiệu quả bởi như Livermore từng nói : “Qua thời gian, con người về cơ bản, hành động và phản ứng những cách giống nhau trong thị trường, là do kết quả của: lòng tham, sự sợ hãi, thiếu hiểu biết và hi vọng. Đó là lí do vì sao những hình mẫu cứ lặp lại nhau về cơ bản.”

Nhớ về hồi đó, ông không có máy vi tính, phải tự ghi chép giá bằng tay, mà vẫn trở thành một trong những trader vĩ đại nhất. Ngày nay, chúng ta thường tự làm rối mình bằng việc thêm thắt đủ thứ chỉ báo, đủ đường kỹ thuật mà không đào sâu, tập trung vào thứ cốt lỗi quan trọng nhất : giá.

———————————————————

Việc lắng nghe các bậc cao nhân chia sẻ luôn luôn đem lại cho tôi rất nhiều nguồn cảm hứng (từ thành công của họ) và một lần nữa tự nhìn lại mình trong công việc.

Hi vọng với bài viết này, bạn sẽ tập trung hơn vào những điều (thói quen) tốt giúp bạn thành công với giao dịch ngoại hối.

Chúc bạn 1 ngày giao dịch hiệu quả !

TIN LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

LIÊN HỆ

Vui lòng nhập thông tin của bạn!