Tìm hiểu cơ bản về Blockchain

Có rất nhiều bạn vẫn không hiểu tiền điện tử là gì và Blockchain là gì, trong bài viết này sẽ giải thích để các anh chị hiểu rõ Blockchian là gì. Vì mình đã từng là người mới tìm hiểu về lĩnh vực này nên mình cũng biết được các bạn đang cần những thông tin gì.

Bạn là một nhà đầu tư thì cũng cần phải hiểu rõ những khái niệm và có kiến thức cơ bản khi đầu tư vào Crypto. Phải phân biệt được Blockchain là gì, Crypto là gì vì đó là những khái niệm cơ bản nhất.

1. Định Nghĩa Blockchain là gì?

Nếu bạn tò mò và thử lên google tìm kiếm với từ khóa này thì kết quả là có hàng tá những định nghĩa về blockchain. Bạn hãy ấn vào một số kết quả đầu tiên và đọc thử xem, nói thật hồi đầu khi tìm hiểu về cái gọi là “Blockchain” này thì mình cũng nhức hết cả đầu sau khi đọc những định nghĩa đó. Bạn có thể thử một chút trước khi đọc định nghĩa mình đưa ra bên dưới.

Blockchain là gì?

“Blockchain là một loại dữ liệu, một cách lưu trữ những hồ sơ giao dịch và các giá trị”

Nếu nói một cách đơn giản thì nó chính là vậy đó, chắc với định nghĩa đơn giản này thì với nhiều người có lẽ họ sẽ nghĩ rằng : cái quái gì, sao cái thứ hoành tráng như thế kia chỉ là một mớ dữ liệu thôi á.

Dù Blockchain là một loại dữ liệu nhưng định nghĩa đó cũng không hoàn toàn diễn tả đặc tính thật sự nằm trong cách thức Blockchain lưu giữ các hồ sơ giá trị và giao dịch.

Blockchain là một công nghệ mới, nhưng nó được hình thành nhờ kết hợp 3 loại công nghệ cũ đã có trước đó, nhưng lại được kết hợp lại một cách khéo léo để tạo nên khác biệt xuất sắc. 3 công nghệ kết hợp lại tạo nên Blockchain đó chính là :

• Cryptography: Sử dụng public key và hàm hash function để đảm bảo tính minh bạch, toàn vẹn và riêng tư.

• P2P Network: Mỗi một nút trong mạng được xem như một client và cũng là server để lưu trữ bản sao ứng dụng.

• Protocol: Tất cả các nút tham gia vào hệ thống đều phải tuân thủ luật chơi đồng thuận (PoW, PoS…) và được thúc đẩy bởi động lực kinh tế.

Hiểu đơn giản, Blockchain giống như một “cuốn sổ cái không thể thay đổi”.

2. Cryptography

Cryptography

Công nghệ đầu tiên là Cryptography (Mật mã học) tức là cách mà chúng ta mã hóa thông tin.

Bạn tưởng tượng khi có các giao dịch diễn ra, Các nút mạng (máy tính) sẽ ghi chép các thông tin giao dịch vào một cuốn sổ chính. Và “cuốn sổ” đó nó sử dụng công nghệ mã hóa để đảm bảo rằng tình trạng về các tài khoản liên quan là công khai (ngoại trừ danh tính của chủ tài khoản), mọi người đều có thể nhìn thấy được số dư của bất kỳ một tài khoản nào đó có trong cuốn sổ, nhưng không biết ai là chủ sở hữu thực sự của tài khoản đó ở ngoài đời (nếu như không sử dụng các kỹ thuật phức tạp để lần theo dấu vết).

Và với mỗi tài khoản có trong “cuốn sổ” này, thì chỉ người chủ đích thực của tài khoản đó (là người nắm giữ Private Key – chìa khóa riêng tư) mới có thể truy cập vào để thực hiện việc chi tiêu số tiền có trong đó. Tiếp nữa, bất kỳ một sự thay đổi nào của “cuốn sổ” cũng được công khai. Tuy nhiên, một khi thông tin đã ghi lên trên đó thì việc thay đổi nó gần như là không khả thi.

3. P2P Network

P2P-Network

P2P Network

Công nghệ thứ hai là công nghệ P2P Network (Peer-to-Peer) hay còn gọi là Distributed Network. Công nghệ này có tên gọi là mạng ngang hàng hay mạng đồng đẳng, tức là mạng nối trực tiếp với nhau mà không cần qua máy chủ trung gian.

Với “cuốn sổ” ở trên, nó không được giữ bởi một cá nhân “quyền lực” nào cả, mà nó được chia sẻ với tất cả mọi người trong cộng đồng. Ai thích cũng có thể tải một phiên bản của cuốn sổ đó về máy tính của mình để theo dõi và cập nhật (khi đó, máy tính của họ trở thành một node – nút của mạng lưới). Bất kỳ một thay đổi nào trên cuốn sổ cũng gần như ngay lập tức được cập nhật đến tất cả các nút mạng, và mọi người có quyền truy cập tự do, không cần phải thông qua một máy chủ nào đó để được tiếp cận với các thông tin công khai của cuốn sổ.

Tính chất ngang hàng của “cuốn sổ” còn được thể hiện ở đặc tính: bất kỳ ai muốn và có đủ năng lực cũng có thể “ứng cử” để trở thành người ghi sổ – kế toán viên (bạn đã nghe đến các thợ đào, họ chính là kế toán viên đang được nói đến ở đây). Và khi đó, mọi kế toán viên đều có cơ hội được ghi chép các thay đổi vào “cuốn sổ kế toán thần kỳ”. Việc ai giành được quyền ghi sổ để lĩnh lương (ở đây là phần thưởng của mạng lưới) sẽ do công nghệ thứ 3 quyết định.

Tiếp nữa, nếu như một chủ tài khoản nào đó bắt tay với kế toán viên được chọn cho nhiệm vụ ghi sổ nhằm thực hiện hành vi gian lận (dùng một đồng tiền để chi tiêu nhiều lần – double spending) của mình thì sao? “Cuốn sổ” được gọi là thần kỳ vì nó chống lại được sự gian lận đó. Một khi kế toán viên được chọn tiến hành ghi sổ, dữ liệu mới chuẩn bị được ghi vào cuốn sổ sẽ được cập nhật đến tất cả mọi kế toán viên khác, và nếu như các kế toán viên khác phát hiện gian lận, họ sẽ phát cảnh báo lên toàn hệ thống, lúc đó, dữ liệu mới đó sẽ được tính là không hợp lệ, và quyền ghi sổ sẽ được chọn lại.

Tức là để dữ liệu được ghi vào sổ một cách hợp lệ, cần phải có một sự “đồng thuận” của tất cả các kế toán viên. Bạn thấy đó, quyền lực tác động lên tình trạng của cuốn sổ không nằm gọn trong tay một cá nhân nào cả, mọi người trên mạng lưới đều có tiếng nói của mình.

4. Protocol

Protocol

Protocol

Công nghệ thứ ba là Protocol (Giao thức trò chơi). Giao thức là một bộ các quy tắc quy định cách các đối tượng trong một mạng lưới trao đổi thông tin, giao tiếp với nhau, đồng thuận với nhau. Nó được áp dụng vào Blockchain như thế nào?

Bản chất quan trọng nhất của Blockchain là cách thức dữ liệu được lưu trữ, thêm mới và phân tán trong mạng lưới.

Tất cả các quá trình lưu trữ, thêm mới, phân tán của dữ liệu đều phải được thực hiện thống nhất theo những quy tắc định sẵn. Và do tính chất phi tập trung của Blockchain, mọi sự thay đổi trong dữ liệu đều cần đạt được sự đồng thuận của các máy tính (node) trong mạng lưới, chứ không phải do một máy chủ nào đó quyết định. Vì vậy, giữa các máy tính (node) trong mạng lưới phải có bộ quy tắc để quy định cách chúng giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau, từ đó đi đến đạt được sự đồng thuận trong toàn mạng lưới. Đây chính là phần việc của công nghệ Protocol.

Quay lại với ví dụ trên, bất kỳ một thay đổi nào trên hệ thống mà muốn được ghi lại trên “cuốn sổ” đều đòi hỏi phải được xác nhận là hợp lệ và đạt được sự “đồng thuận” trên mạng lưới. Có rất nhiều người muốn trở thành người có quyền được ghi sổ, vì chỉ khi có quyền đó và thực hiện xong việc ghi sổ, họ mới được “lĩnh lương” (hay còn gọi là nhận thưởng). Tức là có rất nhiều kế toán viên có khả năng được chọn để ghi sổ và lĩnh lương, tuy nhiên chỉ có một người được chọn. Sau khi được chọn, người đó sẽ tiến hành ghi sổ, tuy nhiên, để phần nội dung ghi thêm đó là hợp lệ thì đòi hỏi phải đạt được sự xác thực của các kế toán viên khác trên toàn mạng lưới.

Tất cả quá trình lựa chọn người ghi sổ, phân tán nội dung ghi thêm đến toàn mạng lưới các kế toàn viên và cách mà các kế toán viên đi đến đạt được sự đồng thuận để tạo ra phiên bản chuẩn nhất của “cuốn sổ” (phiên bản chuẩn nhất là phiên bản mà đa số các kế toán viên trên mạng lưới sẽ xác nhận là hợp lệ, và họ tiếp tục làm việc để ghi tiếp lên phiên bản đó) đòi hỏi phải có sự trao đổi thông tin, giao tiếp với nhau giữa các thành phần trong mạng lưới. Và quá trình đó tuân theo những quy tắc nhất định.

5. Tại Sao Blockchain Lại Mang Tính Đột Phá?

Blockchain mang tính đột phá

Blockchain mang tính đột phá

Lấy Bitcoin làm ví dụ, về bản chất Blockchain là một cuốn sổ cái được chia sẻ minh bạch mà nhiều người dùng có khả năng theo dõi và cùng quản lý. Bất cứ lúc nào một Bitcoin được chi tiêu, một giao dịch được tạo ra, người dùng có thể tìm thấy các thông tin chi tiết như người gửi, người nhận và số tiền Bitcoin giao dịch.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp của Bitcoin, giao dịch chính được đảm bảo bằng kỹ thuật mã hóa với chữ ký bí mật gọi là “chìa khóa riêng tư – private key” được giữ trong ví Bitcoin của người dùng, cùng với số Bitcoin của họ. Thông thường phải mất mười phút để hệ thống xác nhận một giao dịch nhưng khi đã xác nhận thì ngay sau đó nó sẽ được thêm vào một “block – khối”. Các khối được liên kết theo thời gian để duy trì tính thống nhất và toàn vẹn của hệ thống, tạo ra chuỗi các khối được gọi là “Blockchain”. Bất cứ khi nào thay đổi được thực hiện, toàn bộ chuỗi Blockchain sẽ được cập nhập lại. Blockchain giúp bảo mật và hợp lý hóa các giao dịch một cách hiệu quả mà không yêu cầu các bên trung gian quản lý quá trình.

6. Cách Blockchain Thay Đổi Thế Giới

Sự xuất hiện của Blockchain cũng giống như các cột mốc khác trong lịch sử nhân loại : máy dệt, máy tính, mạng internet.

Blockchain sẽ thay đổi thế giới

Blockchain sẽ thay đổi thế giới


Hệ thống này sẽ thay đổi cách chúng ta tin tưởng và nhìn nhận thế giới, mang tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nhân loại.

Tiềm năng lớn nhất chính là việc ứng dụng các “Hợp Đồng Thông Minh” (smart contract) trên nền tảng Blockchain: các thoả thuận trong hợp đồng và giao dịch sẽ được xác nhận mà không tiết lộ thông tin giữa các bên với một người trung gian nào đó mà vẫn đảm bảo mọi thứ là minh bạch và chắc chắn nhất. Thông tin trong Blockchain không thể bị làm giả (có thể nhưng vẫn sẽ để lại dấu vết), mọi thay đổi cần phải nhận được sự đồng thuận của các bên tham gia vào mạng lưới theo một thuật toán đã được công khai từ trước (thuật toán đồng thuận).

Đây là một hệ thống không dễ dàng sụp đổ, vì ngay cả khi một phần mạng lưới tê liệt thì các nút mạng khác vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Công nghệ Blockchain ngày nay đã mở ra một xu hướng mới cho các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, logistics, điện tử viễn thông, kế toán kiểm toán…

Công nghệ Blockchain mang tính cách mạng trên nhiều mặt của xã hội như:

- Tạo và chuyển giao các giá trị: lấy ví dụ là Bitcoin một loại vàng kỹ thuật số với nhiều giá trị hơn vàng truyền thống như nhẹ hơn dưới dạng kỹ thuật số, chuyển tiền quốc tế đơn giản, dễ phân chia và có tính thanh khoản cao,…

- Bảo vệ tài sản, dữ liệu: Công nghệ Blockchain cải thiện hệ thống chống hàng giả và khẳng định quyền sở hữu tài sản bằng cách tạo hồ sơ không thể chối cãi trong thời gian thực.

- Xử lý thanh toán giao dịch toàn cầu: loại bỏ sự cần thiết phải có của bên trung gian thứ 3, đặc biệt trong môi trường thanh toán quốc tế như hiện nay.

Hợp đồng quản lý và hợp đồng thông minh: cập nhập, quản lý, theo dõi các hợp đồng ở các tổ chức tài chính, ngành bảo hiểm, bất động sản, pháp luật,…

Quản lý chuỗi cung ứng: Chuỗi siêu thị Walmark đã sử dụng Blockchain theo dõi cung ứng hàng hóa, ngày hết hạn sản phẩm, thời gian vận chuyển,… – một hệ thống theo dõi tức thì, chính xác và không thể gian lận.
Nhận dạng hệ thống hồ sơ cá nhân và mật khẩu: Quản lý tất cả hồ sơ cá nhân một cách an toàn và không thể làm giả.

Huy động vốn từ cộng đồng(cách đầu tư mới): Khả năng huy động trên tầm quốc tế như Kickstarter, Indiegogo và GoFundMe. Cho phép các quỹ huy động vốn cộng đồng quốc tế lần đầu tiên có thể mở rộng quy mô lên đến hàng trăm triệu USD và có thể giao dịch hàng chục triệu đô trên toàn thế giới chỉ trong vòng 30 giây.

Bạn không thể kết nối các điểm mốc khi bạn nhìn về tương lai phía trước, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi bạn nhìn lại quá khứ. Vì thế bạn phải tin rằng các điểm mốc hiện tại bằng cách nào đó sẽ kết nối với nhau trong tương lai.

Tài liệu tham khảo: Dungbui

TIN LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

LIÊN HỆ

Vui lòng nhập thông tin của bạn!