Vào lệnh hay không vào lệnh?

Câu hỏi này xuất hiện trong đầu bạn bao nhiêu lần rồi? Có phải cứ khi nào mở máy tính, bật bảng biểu đồ forex điện tử lên trước mặt, những âm thanh của câu hỏi lại vang lên trong đầu bạn?

Vào lệnh hay không vào lệnh

"Giao dịch hay không giao dịch, vào lệnh hay không vào lệnh?"

Hãy để tôi chia sẻ với bạn một thực tế: sẽ tốt hơn (rất nhiều) nếu bạn đứng ngoài thị trường, chứ không phải là kẻ tội nghiệp đang bơi lội trong những đợt sóng lên và xuống. Sẽ luôn luôn tốt hơn khi bạn không vào một lệnh mà sau này sẽ thắng, chứ không phải vào một lệnh mà sau này ước rằng giá như mình đã không thực hiện cú click chuột ấy.

Việc biết khi nào ta không nên giao dịch là vô cùng quan trọng, thậm chí, nó còn quan trọng hơn cả việc biết được khi nào thì nên giao dịch. Cũng như các triết lý của những huyền thoại về đầu tư mà bạn đều biết rõ, họ đã chia sẻ những gì. Việc phòng thủ, việc giữ tiền, việc bảo toàn vốn, là tối quan trọng trong đầu tư.

“Quy tắc đầu tư số 1: Không bao giờ để mất tiền. Quy tắc số 2: Đừng bao giờ quên quy tắc 1”. – Warren Buffett.

1. Hãy giữ những viên đạn để săn "những' con mồi dễ dàng hơn

Một trong những bí quyết để thành công với giao dịch ngoại hối (chứng khoán, bất động sản, …) chính là: bảo toàn đồng vốn trong quỹ tiền của bạn, và để dành chúng cho những cơ hội với xác suất thắng lớn, thậm chí là hiển nhiên sẽ thắng (hãy nhớ lại bao nhiêu lần bạn thấy những cơ hội như thế rồi, tôi chắc chắn rằng chúng không hề ít, chỉ có điều là thời gian đợi chờ tương đối lâu). Chứ không phải bừa bãi và cẩu thả vứt tiền vào những cơ hội 5 ăn 5 thua xuất hiện đầy rẫy trên thị trường, ngày qua ngày.

Là một nhà đầu tư, không có tiền để đầu tư, đồng nghĩa với việc chúng ta trở nên vô dụng. Giống một người lính ra trận, nếu súng không có đạn thì liệu anh ta sẽ chiến đấu bằng cái gì? Hoặc hãy tưởng tượng bạn giống như một vị tướng và những đồng tiền trong quỹ giao dịch là những người lính dưới quyền, bạn sẽ tranh đấu ngôi vương ra sao nếu quân đội của mình đã chết hết?  Chẳng phải ta nên “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” sao?

(Để tôi chia sẻ với bạn về một khía cạnh nữa của vấn đề này bằng câu chuyện của Soros, khi ông đặt cược tất cả những gì mình có, để viết nên câu chuyện huyền thoại liên quan đến đồng bảng Anh. Đầy thú vị và tuyệt vời phải không? Đúng vậy, nó đã mang lại một lợi nhuận khổng lồ và danh tiếng, các mối quan hệ, … cho Soros. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, nếu thị trường không đi theo đúng những gì Soros nghĩ?. Lúc này, ông ta cũng như rất nhiều người khác, biến mất trên bản đồ. Và cuộc đời ông sẽ ra sao?

Soros về nguyên tắc đầu tư cơ bản, hành động như vậy có phải là sai không? Tôi không đủ trình độ để bàn đến. Nhưng độ liều lĩnh là có, lòng tham là có, ông đã cược tất cả những gì mình có dù nếu sai thì sẽ ra đường thành kẻ vô gia cư. Những khoảnh khắc như vậy tạo nên sự khác biệt.

Đó cũng là quyết định của bạn, sẽ có những khoảnh khắc như thế, và bạn tự chọn lấy cho mình một cuộc đời sau này. Bạn muốn khác biệt, bạn sẽ phải chấp nhận cái rủi ro khủng khiếp và nghiệt ngã, và tôi chúc bạn may mắn. Bản thân tôi thiên về khuynh hướng của sự đều đặn và bình yên, vì cuộc đời (vô thường) còn rất nhiều điều quan trọng khác ngoài tiền bạc (phù du) và danh tiếng (hư ảo).)

2. Hãy nhớ điều này: đừng bao giờ để lòng tham vượt quá nhu cầu của bạn

Tất nhiên, một chút lòng tham là cần thiết và tốt, nó sẽ thúc đẩy để bản thân ta tốt hơn mỗi ngày. Nhưng quá nhiều lòng tham lại rất tai hại (trong mọi vấn đề), nó khiến bạn muốn giao dịch nhiều hơn để kiếm tiền nhanh hơn, muốn giao dịch với khối lượng lớn hơn để kiếm tiền nhiều hơn.

Những nhà giao dịch giỏi nhất là những người ngồi cứng trên hai tay của họ, và cả tài khoản của họ nữa. Hãy giữ chúng thật ấm áp, thật an toàn và cũng luôn sẵn sàng sử dụng chúng nếu “một cái gì đó” rất chắc chắn, hiển nhiên nhảy ra ngay trước mắt họ. Vì đã kỷ luật chờ đợi, họ ngay lập tức nhảy vào thị trường khi các điều kiện của họ đã có đủ, và sẽ không vội cắt lệnh sớm nếu như thị trường đi ngược lại suy nghĩ của họ một vài chục pips.

Sức mạnh thực sự của việc biết khi nào thì giao dịch và khi nào thì không, là ở chỗ nó cho phép bạn bảo toàn được vốn của mình, và không phí phạm chúng vào những thiết lập lệnh có xác suất thấp. Và khi một thiết lập chắc chắn và hiển nhiên xuất hiện, bạn vừa có “nhiều tiền hơn” để giao dịch, lại vừa có nhiều cơ hội để chiến thắng hơn. Rất đơn giản, nhưng đầy sức mạnh.

Bạn còn nhớ bài viết về Poker của tôi? Hãy luôn giao dịch khi bạn nắm được lợi thế rõ rệt (như hai lá bài của bạn là AA hay AK vậy), và cố gắng tối đa hoá lợi nhuận cho cơ hội ấy trên thị trường giao dịch ngoại hối. Nếu bạn giao dịch khi ngay chính bản thân mình biết rằng không nên, không những bạn tự làm khó mình bằng một xác suất thấp, mà bạn còn đang lãng phí những viên đạn ít ỏi mình có. Thật buồn khi nhìn những xác suất thắng lớn đến mức hiển nhiên mà tài khoản giao dịch forex thì đã cháy …

3. Bạn phải kiểm soát được nó, nếu muốn là một nhà giao dịch Forex thành công

Tôi rất hiểu cảm giác của bạn, là một forex trader, chúng ta yêu việc giao dịch. Và bởi có giao dịch thì mới kiếm được tiền chứ?

Nhưng khi bạn cứ ngồi đó khi mà chẳng có cơ hội nào ngon ăn, trước những biểu đồ điện tử nhảy múa, bạn sẽ bắt đầu có rất nhiều ý tưởng mà buồn thay, hầu hết chúng là xấu. Bạn bắt đầu nghĩ rằng thị trường đang “nợ” mình một lệnh giao dịch, bạn bắt đầu tự nghĩ ra một sự chắc chắn nào đó mà trên thực tế lại chẳng có sự chắc chắn nào. Và điều gì xảy ra tiếp theo? Bạn tặc lưỡi, bạn vào lệnh, rồi bạn hi vọng.

Bạn hãy chọn một góc thật yên tĩnh, ngồi xuống, cố gắng tập trung xem lại các bảng thống kê lệnh trong tài khoản và nhớ lại những lệnh giao dịch bất cẩn, thiếu kiên nhẫn trong quá khứ. Tài khoản của bạn đáng lẽ sẽ phải là bao nhiêu nếu không có những lệnh giao dịch đấy? Con số chắc chắn sẽ khiến bạn giật mình.

4. Một trong những cảm xúc khó nhất mà bạn cần kiểm soát và duy trì, là kiên nhẫn

Bạn cần loại bỏ ngay cái cảm giác lúc nào cũng thấy cần phải bơi trong thị trường, bỏ ngay suy nghĩ phải giao dịch thật nhiều để kiếm thật nhiều tiền.

Thực tế là bạn sẽ chẳng bao giờ bị mất một đồng tiền vốn nào cả, nếu như bạn không giao dịch. Bạn phải điềm đạm, cẩn thận tuân thủ phương pháp – kế hoạch giao dịch ngoại hối để quyết định khi nào thì nên mạo hiểm và khi nào thì không.

Tính kiên nhẫn cao không phải tự nhiên mà có, bạn cần phải thực hành rất nghiêm khắc để có được nó, và còn khó hơn, là việc duy trì được nó. Hãy nhớ đến Livermore, ông giàu có – phá sản – giàu có – phá sản nhiều lần trong đời, và cuối cùng kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự bắn vào đầu trong khách sạn.

Công việc của một trader không phải là vào lệnh. Vào một lệnh giao dịch ngoại hối thì quá dễ và quá đơn giản, bạn có thể làm chúng hằng ngày với một trăm lần vào lệnh. Cái khó khăn là việc ngồi im kiên nhẫn như con thú chịu đói chờ săn mồi, như một người lính bắn tỉa nằm phục nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi, để cho cơ hội thật sự tốt với xác suất thắng cao xuất hiện. Và khi nó xuất hiện thì lập tức bóp cò, không do dự, không sợ hãi.

Những người thành công không có phản ứng cảm xúc với các sự kiện. Đừng bao giờ nói ” đáng ra tôi nên thế này … thì tôi sẽ thế kia”. Chúng sẽ khiến bạn vô cùng phiền lòng. Khi chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra, mọi thứ trở nên sao mà dễ dàng và hiển nhiên quá. Nhưng khi ngồi trước biểu đồ thời gian thực, không một ai biết được những con sóng của thị trường sẽ trôi dạt về đâu.

Thế nên, bạn cần học được cách kiểm soát các kỹ năng giao dịch bằng sự KIÊN NHẪN, kỷ luật tuân thủ phương pháp – kế hoạch giao dịch của riêng mình, và chỉ vào lệnh khi có những lí do rất rõ ràng mà thực tế bảo bạn vào lệnh.

Bạn cần kỷ luật, bạn cần kiên nhẫn và cũng rất quan trọng, bạn cần cả sự linh hoạt nữa.

Thị trường luôn thay đổi và luôn có những điều kiện rất khác nhau trong những khoảng thời gian khác nhau. Chúng ta phản ứng theo thị trường, chứ không thể điều khiển được thị trường phản ứng theo ý muốn của ta.

Đừng cứng nhắc mà lì lợm giữ lấy quan điểm của mình và vẫn kỳ vọng thị trường sẽ đi theo hướng bạn nghĩ. Điều này rất nguy hiểm và sẽ khiến bạn mất nhiều tiền và cả cơ hội nữa. Luôn luôn có cho mình một tư duy linh hoạt để phản ứng trước sự thay đổi.

Quyết định khi nào thì giao dịch và khi nào thì không, không chỉ là vấn đề của việc bạn hiểu thị trường forex như thế nào mà còn là hiểu những gì mà nó có thể đem lại cho bạn.

Một trong những lợi ích đặc biệt và lớn nhất của thị trường ngoại hối là nó mở cửa hai-mươi-tư-giờ-một-ngày, sáu ngày một tuần. Khả năng giao dịch bất cứ khi nào bạn muốn, chỉ bằng những công cụ rất đơn giản – dễ dàng là một lợi thế quá lớn để chúng ta kiếm tiền. Vì nó cung cấp cho bạn rất nhiều sự linh hoạt, thoải mái. Tuy nhiên, nó cũng có thể chống lại bạn nếu bạn cảm thấy mình cần phải bắt được hết tất cả cơ hội trong thị trường, nếu bạn cảm thấy thật phí phạm khi không ngồi nhìn bảng điện tử cả ngày để quyết tâm không cho một con cá nào chạy thoát.

Không một ai, ngay cả nhà giao dịch giỏi nhất thế giới, có thể tận dụng được mọi cơ hội mà thị trường ban tặng. Thậm chí, anh ta còn bỏ lỡ hầu hết chúng. Nhưng gã biết, hiểu và khá hài lòng với nhận thức rằng: chỉ cần một miếng nho nhỏ của cái bánh là đã đủ no rất lâu.

Gã không cho phép sự tham lam vượt quá nhiều nhu cầu bản thân. Gã không dằn vặt, tiếc nuối, đổ lỗi cho bản thân khi nhìn thấy tất cả các cơ hội tốt mà gã đã bỏ lỡ. Những gì mà gã muốn thấy, là sự gia tăng chầm chậm nhưng ổn định và chắc chắn của những con số trong tài khoản.

Thời gian không nhìn bảng điện tử, gã để dành làm những công việc khác quan trọng hơn.

By Led

TIN LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

LIÊN HỆ

Vui lòng nhập thông tin của bạn!