Giao dịch đừng như Lợn

Bước chân vào lĩnh vực tài chính, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến những khái niệm như “bò”, “gấu”. Bò tượng trưng cho thị trường giá lên, gấu tượng trưng cho thị trường giá xuống. Thế bạn đã nghe đến khái niệm về “lợn” chưa ? Nếu bạn đang không biết mình trong thị trường của bò hay gấu, thì xin chia buồn, đích thị bạn là lợn rồi. Và nhiều khả năng, bạn đang mất tiền và thua lỗ. Lợn có 2 đặc điểm, là ăn tạp và tham ăn, những điều này tương đương với lòng tham và giao dịch liên tục ( ít chọn lọc ) trong trading.

Đừng giao dịch như lợn

Đừng giao dịch như lợn

Phố Wall có 1 câu như thế này : “Bò kiếm được tiền, Gấu kiếm được tiền, còn Lợn thì bị làm thịt”. Câu nói này là lời cảnh báo đến các traders hay nhà đầu tư (investor) hãy chống lại lòng tham và hãy kiên nhẫn chờ đợi cơ hội tốt đến. Hai điều này cũng có thể gộp thành một, bởi nếu bạn không tham lam, bạn sẽ rất dễ dàng trong việc chờ đợi một mô hình giá tốt để vào lệnh. Kiềm chế lòng tham là một điều thực sự khó, rất khó.

Ở bài viết này, tôi và bạn sẽ cùng thảo luận về những cách mà Ngài Thị Trường trừng phạt tính tham lam, hay ta có cụm từ “giao dịch như con lợn” như thế nào? Và cách để ta kiểm soát lẫn thoát khỏi tình trạng đó ra sao. Nếu bạn muốn kiếm được những đồng dollar xanh từ thị trường, chứ không phải bị làm thịt bởi nó, hãy đọc bài viết này …

1. Bạn là Bò, Gấu hay Lợn?

Những traders hiểu được mình đang giao dịch trong thị trường nào (giá lên hoặc giá xuống), bám chặt vào xu hướng của thị trường và không giao dịch quá nhiều (không quá tham lam), sẽ (thường) kiếm được tiền trong dài hạn.

Tôi biết có rất nhiều traders cố gắng chứng minh rằng mình đúng, giao dịch ngược lại với xu hướng (trend) của thị trường. Và như bạn đã biết, chúng ta không thể điều khiển hay bắt thị trường đi theo ý mình được. Đây là 1 cái bẫy nguy hiểm nếu như bạn không biết định nghĩa đâu là một thị trường giá lên hay giá xuống (bullish ; bearish).

Và mặc dù cũng rất nhiều traders biết được họ đang giao dịch trong xu hướng thị trường nào, họ vẫn nhiều lần “chống lại” thị trường bằng cách giao dịch quá nhiều, hoặc ta có thể lấy một hình ảnh vui là một con lợn ăn tạp.

Do vậy, điều bạn cần hướng đến là trở thành … một con bò hoặc một con gấu ở mỗi một thị trường, chứ không phải một con lợn. Yếu tố phụ thuộc vào bò hay gấu là do xu hướng của thị trường mà bạn muốn giao dịch, thị trường giá lên được gắn với hình ảnh con bò (bạn có hay uống bò húc không? Húc lên đấy), thị trường giá xuống được gắn với hình ảnh con gấu (gấu cào móng vuốt của chúng xuống).

Giả dụ như trong một thị trường giá lên, bạn chỉ cần tìm những tín hiệu (nến) cho chúng ta cơ hội mua, và bạn chỉ đặt lệnh mua. Tuyệt đối không đi ngược lại thị trường bằng những lệnh bán. Nếu bạn không thấy tín hiệu nào khả quan, hãy tiếp tục chờ đợi. Nên nhớ : không giao dịch luôn luôn tốt hơn việc bị mất tiền.

2. Những kỳ vọng thái quá

“Những chú lợn” luôn quá kỳ vọng vào trading. Họ nghĩ đã tìm được mỏ vàng và sẽ nhanh chóng gia nhập câu lạc bộ triệu phú $. Trong khi bạn có thể loạn mắt và loạn óc với những banner quảng cáo, những lời hứa hẹn làm giàu không khó từ những website hay những “người thầy” dởm trên mạng, tôi xin chắc chắn với bạn 1 điều rằng: đó là điều không thể.

Thật sự, nếu bạn (vẫn) nghĩ rằng mình có thể giàu thật nhanh với thị trường ngoại hối này, tôi sẽ cho bạn 1 lời khuyên tốt nhất: hãy rút tiền từ tài khoản về, đóng nó lại và đừng bao giờ đọc những thông tin về giao dịch ngoại hối nữa, bạn chắc chắn sẽ tốt hơn, và giàu hơn. Cố gắng giàu thật nhanh với Forex, đồng nghĩa với việc rất nhanh, bạn sẽ nghèo đi.

Bạn càng mong muốn giàu nhanh, kỳ vọng của bạn càng lớn, bạn sẽ càng vào nhiều lệnh, bạn “nhìn thấy cơ hội” ở mọi bước đi của thị trường. Và giống như một chú lợn tham ăn, bạn sẽ bị thị trường “làm thịt”, tài khoản của bạn sẽ bốc hơi rất nhanh, chắc chắn.

3. Đừng theo đuổi những gì đã xảy ra

Nếu bạn lỡ một cơ hội tốt, đừng “đuổi theo” nó. Hãy nhanh chóng chấp nhận rằng bạn đã lỡ tàu, và ngồi ở sân ga đợi chuyến tàu cơ hội tiếp theo. (Khi viết những dòng này, tôi vừa lỡ mất 02 “chuyến tàu” trong 1 tuần nay với cặp EUR-USD, mọi thứ có vẻ rất ổn nhưng tôi cảm thấy có gì đó không ổn nên chấp nhận lỡ tàu, 02 lần).

Nếu bạn vào khi mọi sự có thể “đã rồi”, điểm vào của bạn không thật sự tốt và điểm cắt lỗ của bạn sẽ rộng hơn, và nhiều khả năng thị trường sẽ chuyển động đối nghịch với chiều hướng lệnh của bạn trong thời gian ngắn. Việc theo đuổi lệnh cũng gần như đồng nghĩa với lòng tham. Bạn không thể nào thành công được nếu cố gắng theo đuổi mọi chuyển động của thị trường, điều này cũng là phi thực tế khi muốn lợi nhuận với bất kỳ chuyển động nào của thị trường.

Tất cả những gì bạn cần làm đó là “bắt” 2 hoặc 3 chuyển động tốt của thị trường trong 1 tháng và từng ấy là bạn đã có lợi nhuận tương đối. Việc giao dịch ở tài khoản nhỏ là một điều khó khăn, và tôi cũng khuyên bạn đừng nên chơi với tài khoản nhỏ quá. Bởi ở tài khoản nhỏ, ngay cả với những chuyển động lớn của thị trường, số tiền bạn kiếm được (nếu bạn vào lệnh đúng) cũng ít và không mang được nhiều ý nghĩa gì. Ý nghĩa ở đây là gì? Giao dịch ngoại hối không phải dành cho tất cả mọi người, nếu bạn vẫn chật vật với cuộc sống hằng ngày, đừng tham gia. Bạn chắc chắn sẽ mất tiền trong quãng thời gian đầu (học phí cho thị trường), và thật may mắn nếu từ đầu bạn mất tiền chứ không phải kiếm được nhiều tiền bằng một sự may mắn nào đó.

4. Ví dụ cụ thể về việc giao dịch như..."LỢN"

Khá đơn giản thôi, nếu như bạn mạo hiểm số tiền cắt lỗ nhiều hơn lượng tiền mà bạn cảm thấy thoải mái nếu mất đi ở 1 lệnh giao dịch, thì bạn đang giao dịch giống lợn. Những gì bạn sắp sửa đối mặt là một lệnh lỗ lớn và (gần như) thổi bay tài khoản của bạn, có thể chỉ trong vài giờ hoặc thậm chí vài phút đồng hồ.

Bạn chẳng thể trở thành một trader đúng nghĩa (chưa cần thành công), nếu như không có kỷ luật trong mọi thứ của giao dịch. Bạn cần có ngưỡng cắt lỗ cố định của mình, ngưỡng đó được xác định bằng số tiền bị mất chứ không phải số phần trăm bị mất so với tài khoản. Nếu sau khi sắp đặt lệnh (điểm vào, điểm cắt lỗ, điểm chốt lời), tắt máy tính, lên giường mà bạn vẫn trằn trọc không ngủ được vì số tiền có thể bị mất nếu thị trường chạm ngưỡng cắt lỗ, bạn cần điều chỉnh số tiền cắt lỗ thấp hơn.

Trader, người biết cách quản lý rủi ro, sẽ kiếm được tiền ở thị trường, trong ngắn hạn và đặc biệt là dài hạn.

———————————————————

Như bạn thấy đấy, sự tham lam là sát thủ hàng đầu giết chết hàng loạt tài khoản, cả to lẫn nhỏ, rất nhanh gọn. Warren Buffet từng có 1 câu nói thế này, chắc bạn cũng nghe nhiều rồi, : “Yếu tố quan trọng quyết định hàng đầu đến sự thành công của nhà đầu tư không phải là sự thông minh hay kỹ năng, mà là tính khí/cảm xúc của người đó”.

Đừng làm một con lợn để bị xẻo thịt, hãy tìm hiểu xem bạn nên “làm” bò hay gấu rồi mang tiền về nhà nhé.

By Led

TIN LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

LIÊN HỆ

Vui lòng nhập thông tin của bạn!